Liên hệ web
  
HƯỞNG ỨNG “ TUẦN LỄ TOÀN CẦU HÀNH ĐỘNG GIÁO DỤC CHO MỌI NGƯỜI”- “ MỖI HỌC SINH CÓ QUYỀN CÓ GIÁO VIÊN TỐT”

                                                                   Nguyễn Thị Tư – Tổ Ngữ Văn 

I.           ĐẶT VẤN ĐỀ:

   “ Giáo dục là quốc sách hàng đầu”;  giáo dục là vấn đề được toàn xã hội quan tâm đặc biệt là đội ngũ nhà giáo và quyền học tập của học sinh. Điều đó được qui định rõ tại điều 10 và điều 15 của Luật giáo dục là :

+ Nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục.

+ Nhà giáo phải không ngừng học tập, rèn luyện nêu gương tốt cho người học.

+ Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ, nguồn gốc gia đình, địa vị

   xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập.

   - Và năm 2013 Tuần lễ toàn cầu hành động giáo dục cho mọi người tại Việt Nam  sẽ diễn ra từ ngày 21.4.2013 đến 28.04.2013 – có chủ đề  Đội ngũ giáo viên có năng lực và tâm huyết cho mọi người với thông điệp Mỗi học sinh có quyền có giáo viên tốt.

       Như thế, mỗi giáo viên chúng ta suy nghĩ như thế nào về chủ đề Đội ngũ giáo viên có năng lực và tâm huyết cho mọi người và thông điệp Mỗi học sinh có quyền có giáo viên tốt trong tình hình hiện nay.

II.               VÌ SAO “ MỖI HỌC SINH CÓ QUYỀN CÓ GIÁO VIÊN TỐT”:

- Giáo viên tốt có phải là giáo viên dạy giỏi không? Theo tôi, chưa hẳn là thế. Giáo viên tốt là giáo viên không những có năng lực chuyên môn vững vàng, có tinh thần trách nhiệm, tận tâm với nghề mà còn là giáo viên có cả tấm lòng- tấm lòng yêu thương, cảm thông, bao dung, vị tha…; luôn tôn trọng và lắng nghe tâm tư nguyện vọng chính đáng của học sinh để điều chỉnh mình.

- Và vì sao Mỗi  học sinh có quyền có giáo viên tốt?

Thứ nhất:. Xã hội ngày càng phát triển đặc biệt sự phát triển như vũ bão của khoa học kĩ thuật vì thế nhu cầu học tập của học sinh nhiều hơn, tìm hiểu sâu hơn những kiến thức mình được học. Nếu không có kiến thức vững vàng thì làm sao chúng ta có thể truyền thụ cho HS tốt được. Hơn nữa, nếu một thầy thuốc dở, chẩn đoán không đúng bệnh chỉ hại có một mạng người; còn ta chuyên môn không vững có khi làm lại cả một thế hệ.

  Điều đó đòi hỏi GV phải luôn học tập, tìm hiểu, nghiên cứu và cần có năng lực, có sự hiểu biết sâu rộng về chuyên môn, nghiệp vụ mới đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh hiện nay.

Thứ hai:  Đối tượng của chúng ta rất đa dạng nào là HS giỏi xuất sắc, khá, trung bình, yếu kém, lười, mê chơi, ngỗ nghịch…Với đối tượng như thế thì lực học, cá tính mỗi em mỗi khác đòi hỏi GV cần có tấm lòng- yêu thương, cảm thông, chia sẻ …Tấm lòng với nhà giáo là một yêu cầu quan trọng vì  không có tấm lòng  thì làm sao  ta yêu thương được học sinh dù đó là HS học kém hay HS cá biệt; có tấm lòng ta  mới tận tình chỉ dạy cho các em một cách chân thành không vụ lợi, không phân biệt đối xử. Có như thế mới tạo cho HS có niềm vui, hứng thú đến trường và các em sẽ cố gắng vươn lên trong học tập.

Thứ ba: Người giáo viên biết tôn trọng, hiểu tâm lí học trò và tạo không khí gần gũi cũng sẽ mang lại hiệu quả giáo dục tốt. Vì chính những điều đó là niềm vui, là động lực giúp các em tự tin trong học tập.

Thứ tư: Không những có tâm, có tài mà giáo viên cần phải có phẩm chất đạo đức tốt, có lối sống lành mạnh, gương mẫu, luôn là tấm gương sáng cho học sinh noi theo và luôn tâm niệm dạy học không những dạy chữ mà còn phải dạy người cho các em. Chính những tấm gương như thế sẽ là những hành trang, những bài học quí giá cho các em trong tương lai. Bởi “ Có tài mà không có đức là người vô dụng,…"

     Như thế quyền có giáo viên tốt là quyền rất chính đáng của học sinh hiện nay.

III.            NHỮNG THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN ĐỂ ĐƯỢC “MỖI HỌC SINH CÓ QUYỀN CÓ GIÁO VIÊN TỐT”:

               1. Thuận lợi:

- Được Đảng và nhà nước quan tâm, tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại là điều kiện thuận lợi cho việc giảng dạy của giáo viên và quyền được học tập của học sinh.

- Hệ thống trường lớp được mở rộng đó cũng là điều kiện thuận tiện giúp tất cả mọi học sinh được cấp sách đến trường.

- Đội ngũ giáo viên được đào tạo đúng chuẩn hoặc trên chuẩn; luôn có ý thức học tập để nâng cao tay nghề; có trình độ chuyên môn khá vững vàng… đáp ứng quyền có giáo viên tốt của học sinh.

- Đội ngũ giáo viên trẻ rất nhạy với công nghệ thông tin- đây là điều kiện cần thiết giúp giáo viên vận dụng tốt trang thiết bị hiện đại vào trong giảng dạy và hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy của mình.

-  Phong trào  Xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực là điều kiện giúp học sinh gần gũi, gắn bó với trường lớp, giáo viên để các em Mỗi ngày đến trường là một niềm vui.

            Những điều kiện thuận lợi như thế cũng phần nào giúp Giáo viên nâng cao năng lực của mình và là điều kiện thuận lợi để mỗi học sinh có quyền có giáo viên tốt.

                 2. Khó khăn:

-  Trong thực tế giảng dạy hiện nay, vẫn còn một số ít giáo viên chưa thực sự hết lòng vì học sinh thân yêu; chưa gần gũi, chưa thấu hiểu hết tâm tư, nỗi lòng, hoàn cảnh …của học sinh, ngược lại còn gây áp lực cho HS. Đắng lòng nhất là trình trạng gián tiếp gây áp lực để học sinh học thêm.

- Một số ít giáo viên chưa thực sự tâm huyết với nghề ( chiếm tỉ lệ khoảng 10% - 15%).

- Một bộ phận học sinh rất lười học, học đối phó  không tập trung cho việc học tập - chất lượng học tập không cao; đạo đức một số em giảm sút- các em không còn hồn nhiên, trong sáng – một số em sa vào những trò chơi điện tử sao nhãng việc học tập, một số nghiện hút thuốc, một số ít vâng lời thầy cô giáo…   Tỉ lệ học sinh như thế chiếm khoảng 20%- 30% . Học sinh như thế dù giáo viên có tâm huyết đến đâu cũng khó mang lại hiệu quả.

-  Dù nói Giáo dục là quốc sách hàng đầu nhưng việc đầu tư, ưu tiên cho giáo dục vẫn là những con số khiêm tốn, còn nằm trong sổ sách; mức lương , đời sống của giáo viên còn nhiều khó khăn chính điều này ảnh hưởng không nhỏ đến nhiệt huyết của giáo viên.

       Những khó khăn trên cũng hạn chế quyền có giáo viên tốt của học sinh.

IV.       NHỮNG GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ ĐỂ “ MỖI HỌC SINH CÓ QUYỀN CÓ GIÁO VIÊN TỐT”:

      Quyền có giáo viên tốt là quyền lợi chính đáng của học sinh.Tuy nhiên, để có quyền ấy phải có sự cộng tác từ nhiều phía. Và bản thân tôi suy nghĩ có những giải pháp, kiến nghị như sau:

    Một là đối với giáo viên: không chỉ có năng lực mà cần phải có một tấm lòng. Muốn được như thế thì:

-  Mỗi giáo viên phải luôn có ý thức học tập và nâng cao tay nghề; thực sự tâm huyết với nghề- giảng dạy tận tâm, trách nhiệm  không vì lợi ích cá nhân mà quên đi lương tâm, trách nhiệm của người thầy;

-  Vô tư, khách quan trong giảng dạy, không thiên vị - không phân biệt giàu, nghèo; giỏi, dở; dân tộc … điều đó sẽ làm cho tinh thần các em thoải mái, vui vẻ trong quá trình học tập;

-   Luôn là người cha, người mẹ thứ hai của các em , luôn gần gũi, quan tâm, chia sẻ những niềm vui, cũng như nỗi buồn của học sinh chỉ một lời động viên, an ủi, một món quà nhỏ, những đồng tiền ít ỏi…cũng phần nào tạo cho các em một khoảng cách thật gần gũi, các em cảm thấy ấm lòng và tự nhiên cảm thấy mình có niềm vui, có chỗ dựa những lúc khó khăn, những lúc vấp ngã trên đường đời;

Hai là đối với học sinh:

-  Học sinh phải có ý thức học tập, không bằng lòng với những gì mình đã có mà luôn luôn khiêm tốn học tập, không chủ quan, coi thường giáo viên giảng dạy trên lớp vì ỷ lại những điều đó mình đã được học thêm trước;

-  Học sinh phải thực sự lễ phép, tôn trọng giáo viên, vâng lời giáo viên, thực hiện tốt những điều giáo viên yêu cầu;

Ba là Nhà nước cần có chế độ ưu tiên, đầu tư cho giáo dục có như thế mới thu hút nhân tài, và những nhà giáo trong hiện tại mới yên tâm trong sự nghiệp của mình.

V.                KẾT LUẬN:

    Mỗi học sinh có quyền có giáo viên tốt là thông điệp mà mỗi giáo viên chúng ta cần suy ngẫm về lương tâm và trách nhiệm của mình trong sự nghiệp trồng người. Mỗi giáo viên chúng ta phải là giáo viên tốt thì thế hệ tương lai của chúng ta mới là lực lượng hùng hậu thực hồng thực chuyên đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.   

                                                     Diên Phước, ngày 10 tháng 04 năm 2013

 
 Hình ảnh
  
 Tìm kiếm

  
 Thông báo
  
 Lượt truy cập
  
Địa chỉ: Xã Diên Phước, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa
Điện thoại: (058) 058-3780345 Email: c2nhue.dk@khanhhoa.edu.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Võ Quang Ân - Kỹ thuật: Lê Xuân Vỹ
Hỗ trợ kinh phí xây dựng trang Web: Hội Cha mẹ học sinh trường THCS Nguyễn Huệ
Thiết kế bởi CenIT